Bất động sản nghỉ dưỡng giảm nhiệt, giá thuê văn phòng, mặt bằng bán lẻ tăng cao và điểm nóng thị trường sẽ dịch chuyển về Tây Bắc Đà Nẵng.
Bất động sản nghỉ dưỡng giảm nhiệt
Trong bối cảnh chung thị trường nghỉ dưỡng có xu hướng chững lại và sụt giảm, mặc dù thị trường Đà Nẵng tiếp tục duy trì vị thế là điểm đến hàng đầu đối với khách du lịch trong nước và quốc tế, nhưng tỉ lệ hấp thụ loại hình bất động sản này có dấu hiệu giảm nhiệt.

Theo đó, đối với căn hộ khách sạn (condotel), thị trường ghi nhận tổng nguồn cung đến từ 15 dự án. Trong đó, quận Ngũ Hành Sơn dẫn đầu nguồn cung với 57% thị phần, hầu hết số căn đến từ chủ đầu tư The Empire Group. Trong nửa đầu năm 2018, giá bán sơ cấp trung bình đạt 2.100 USD /m2, tăng 19% theo năm nhưng tỷ lệ hấp thụ đạt 86%, giảm 8% theo năm.
Với biệt thự nghỉ dưỡng, nguồn cung chủ yếu đến từ khu vực quận Ngũ Hành Sơn đến từ 15 dự án, tương đương 91% thị phần từ 12 dự án. Thị trường không ghi nhận nguồn cung mới cùng với nguồn cầu ổn định dẫn đến tỷ lệ hấp thụ toàn thị trường đạt 86%. Uy tín chủ đầu tư, cam kết lợi nhuận cùng lợi thế gần biển là những nhân tố thành công chính. Trong nửa cuối năm 2018, dự kiến thị trường có thêm 45 căn biệt thự nghỉ dưỡng.

Khách du lịch vẫn tiếp tục tăng là nguồn cầu lớn cho phân khúc nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng. Trong nửa đầu năm 2018, thành phố đón 4 triệu lượt khách du lịch, tăng 29% theo năm. Trong đó, khách quốc tế tăng 47% theo năm, đạt mức 1,6 triệu lượt.
Báo cáo của Savills cho biết, 6 tháng đầu năm, nguồn cung thị trường gồm 109 khách sạn 3 đến 5 sao với khoảng 12.900 phòng. Khả năng lớn trong nửa cuối năm 2018, hơn 1.400 phòng khách sạn 3 đến 5 sao sẽ gia nhập thị trường.
Giá thuê văn phòng và mặt bằng bán lẻ tăng cao nhất 3 năm qua
Cùng với sự phát triển không ngừng nghỉ của thị trường BĐS Đà Nẵng trong suốt những năm qua, mặt bằng để cho thuê làm văn phòng và bán lẻ luôn được quan tâm. Theo ghi nhận của Savills, phân khúc bán lẻ có giá thuê và công suất thuê tăng. Thị trường ghi nhận thị phần tập trung chủ yếu tại quận Hải Châu với mật độ bán lẻ lớn nhất, theo sau là quận Thanh Khê.
Giá thuê gộp trung bình đạt mức cao nhất ba năm nhờ tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó công suất thuê tăng 1%. Quận Hải Châu ghi nhận hoạt động cải thiện nhất và cũng nhận được kỳ vọng tiếp tục là khu vực thu hút nhiều sự quan tâm từ các chủ đầu tư.
Cùng với phân khúc bán lẻ, thị trường ghi nhận phân khúc văn phòng cũng có nguồn cung và giá thuê tăng. Tổng nguồn cung tăng 3% theo năm nhờ Hilton Bach Dang khai trương với 3.000 m2. Quận Hải Châu tiếp tục dẫn đầu với thị phần 75%. Trong bốn năm qua, tổng nguồn cung tăng trưởng trung bình 8%/năm.
Giá thuê gộp trung bình tăng 12% nhưng công suất giảm 4% theo năm. Quận Hải Châu ghi nhận hoạt động cải thiện nhất.
Savills cho biết, năm 2019 sẽ có một dự án với nguồn cung 5.700 m2 đi vào hoạt động. Từ năm 2020 trở đi, tiếp tục có hơn 48.000 m2 sẽ gia nhập thị trường, tập trung chủ yếu tại quận Hải Châu. Do đó, phân khúc văn phòng trong thời gian tới tại thị trường này sẽ có nguồn cung phong phú.
Ngoài ra, với phân khúc căn hộ thị trường ghi nhận tổng nguồn cung tăng 19% theo năm đến từ 20 dự án. Trong nửa đầu năm 2018, tỷ lệ hấp thụ trung bình tương đối cao đạt 93% với lượng bán được cao hơn cùng kỳ năm trước gần ba lần. Giá chào bán trung bình đạt 1.800 USD /m2, tăng 28% theo năm do giới hạn nguồn cung sơ cấp. Quận Sơn Trà dẫn đầu thị trường căn hộ sơ cấp với 68% thị phần.
Thị trường BĐS Tây Bắc Đà Nẵng – phát triển tương xứng với tiềm năng
Chưa bao giờ thị trường lại nóng sốt như vậy khi các đề án phát triển Tây Bắc ồ ạt cập bến và lần lượt được triển khai đúng tiến độ như kế hoạch ban đầu. Mới đây thông tin các tập đoàn Singaphore “đổ bộ” vào Đà Nẵng hỗ trợ điều chỉnh quy hoạch các dự án phía Tây càng tạo không khí sôi động hơn ở thị trường này. Rõ ràng, đây là những công trình trọng điểm được đầu tư nghiêm túc và không phải là những lời nói suông.
Đầu tiên phải nhắc đến công trình đường Nguyễn Tất Thành nối dài đạt 3.2 km, được thiết kế với nền đường ngang 39m, tổng mức đầu tư hơn 153 tỷ đồng. Việc hình thành tuyến đường Nguyễn Tất Thành nối dài góp phần thu hẹp khoảng cách từ trung tâm thành phố đến khu vực Tây Bắc từ 23km xuống còn khoảng 11km. Đây cũng là trục đường chính nối khu vực cửa ngõ Tây Bắc TP Đà Nẵng với các trục đường huyết mạch: Khu đô thị sinh thái Golden Hills, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng…
Tiếp đến, cuối năm 2017 UBND TP Đà Nẵng đã trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương đầu tư dự án bến cảng Liên Chiểu giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư 7.378 tỷ đồng, chia làm 2 hợp phần. Trong chủ trương thống nhất mới nhất, giai đoạn 1 cảng Liên Chiểu sẽ được đầu tư 5.581 tỷ đồng dự kiến năm 2022 sẽ đi vào hoạt động. Việc đầu tư, xây dựng cảng Liên Chiểu không chỉ giảm tải, “chia lửa” với Tiên Sa mà còn phù hợp với định hướng phát triển của thành phố này.
Một trong những công trình nổi bật nữa của khu vựcTây Bắc – đó chính là khu công nghệ cao. Được biết đây là dự án có tổng mức đầu tư hơn 8.841 tỷ đồng với quy mô diện tích bao gồm khu Công nghệ cao, khu Công nghệ thông tin tập trung và khu phụ trợ là hơn 1.500 ha. Đây là một trong 3 khu Công nghệ cao cấp quốc gia có tầm chiến lược cho sự phát triển thành phố về phía Tây Bắc để trở thành Khu đô thị Công nghệ cao của Đà Nẵng. Điều đáng nói, đây sẽ là điều kiện thuận lợi để thu hút nhiều cư dân tri thức với mức sống cao tập trung về sinh sống, tạo nên một khu đô thị sầm uất trong tương lai.
Chưa dừng lại ở đó, tiềm năng du lịch ở phía Tây Bắc được xem là đang có dấu hiệu khởi sắc khi tập đoàn Mikazuki (Nhật Bản) muốn mở rộng hơn 53.000m2 (lớn gấp 5 lần so với trước) quy mô dự án khu du lịch Xuân Thiều nằm trên cung đường xanh Nguyễn Tất Thành. Theo đó đơn vị này cam kết sẽ đầu tư hơn 110 triệu USD với mục tiêu đầu tư phát triển khu phức hợp dịch vụ bao gồm khách sạn đạt chuẩn 5 sao, khu công viên nước, công viên trò chơi và khu ẩm thực. Đây là khoản đầu tư FDI lớn nhất vào bất động sản du lịch Đà Nẵng năm 2018. Tất nhiên, du lịch phát triển vẫn luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà đầu tư bất động sản biết nắm bắt thời cơ.

Cũng trong thời gian này, thông tin từ UBND TP Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ đã cho chủ trương thực hiện, thống nhất triển khai dự án di dời nhà ga theo hình thức PPP. Bộ GTVT đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận cho phân kỳ đầu tư thực hiện trước giai đoạn 1 của dự án với kinh phí 3.393 tỷ đồng. Hướng tuyến của phương án này cho phép trong tương lai có thể kết nối được với cảng Liên Chiểu và các khu công nghiệp tại đây, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận tải hàng hóa. Đồng thời giá trị đất đai tại khu vực nhà ga mới, nhà ga cũ và hành lang tuyến sẽ tăng lên rất nhiều.

Một lần nữa, các nhà đầu tư hãy nhìn sâu hơn vấn đề rằng – những quy hoạch liền kề trên toàn khu vực đều có sự tác động trực tiếp đến tiềm năng tăng giá trị của từng sản phẩm bất động sản. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư tầm cỡ đều “tổng tiến công” về đây với hàng loạt dự án đẳng cấp như: khu đô thị sinh thái, những dãy shophouse thông minh, villas,… càng cho thấy sức hút mạnh mẽ của “ngôi sao mới” – Tây Bắc Đà Nẵng. Việc lựa chọn đầu tư các dự án tại khu vực này được đánh giá là bước đi vô cùng thông minh trong thời điểm nóng sốt hiện tại.